Các nhà khoa học Anh mới tìm được một bằng chứng rõ ràng về lợi ích của bia đối với sức khỏe. Theo họ, đồ uống này là nguồn chính cung cấp silicon cho cơ thể, giúp xương chắc hơn. Bia có lợi cho tất cả mọi đối tượng, nhất là những người dưới 35 tuổi nhưng không có tác dụng với phụ nữ mãn kinh.
Kết luận này mới được các nhà khoa học thông báo trong một cuộc họp tổ chức tại Brussel (Bỉ). Khi tìm hiểu hàm lượng silicon trong khẩu phần ăn, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện St Thomas và Đại học King phát hiện ra rằng, bia là thực phẩm giàu silicon nhất. Nếu uống 300 ml bia mỗi ngày, bạn sẽ nhận được khoảng 6 mg silicon, 20% nhu cầu của cơ thể (nhu cầu này lớn hơn ở nam giới và giảm dần theo tuổi).
Theo các nhà khoa học, trọng lượng xương đạt mức tối đa ở độ tuổi 35. Có thể suy ra rằng, bia đem lại nhiều lợi ích nhất cho những người trẻ, khi quá trình tạo xương vẫn diễn ra mạnh. Phụ nữ mãn kinh là đối tượng duy nhất không đáp ứng với silicon. Nguyên nhân là ở giai đoạn này, quá trình mất xương xảy ra quá mãnh liệt, làm vô hiệu hóa tác dụng của bia.
Silicon có mặt trong các loại đồ uống (bia, nước khoáng, nước) và thực phẩm đặc (sản phẩm từ gạo, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên cám, đậu xanh, hoa quả khô…). Silicon trong đồ uống tồn tại ở dạng có thể hấp thu được – axit orhtosilicic. Trong khi đó, silicon của các thực phẩm đặc cần được trùng hợp rồi thủy phân ở ruột trước khi hấp thu vào máu. Thông thường, lượng silicon mà cơ thể nhận được từ đồ uống nhiều gấp rưỡi từ thực phẩm rắn.
Silicon có mặt ở lớp vỏ của hạt lúa mạch. Bình thường ta không ăn lớp trấu này, nhưng khi sản xuất bia, lúa được ngâm cả vỏ sẽ giải phóng ra dạng silicon hòa tan.
Các nhà khoa học nhắc nhở rằng, bia chỉ có tác dụng tốt nếu được uống vừa phải. Việc dùng quá nhiều đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, thông qua ức chế hoạt động của tế bào tạo xương. Ngoài ra, uống chúng quá nhiều cũng ảnh hưởng xấu tới các bộ phận khác của cơ thể.
Leave a Reply